• 0948.468.558
  • lienhe@crv.vn

Viên chức theo chế độ hợp đồng làm việc có được ký hợp đồng ở các công ty không

02/11/2020 - 03:47
35 views

Cho tôi hỏi quy định mới về chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên là như thế nào? đồng thời Để giữ hạng, giáo viên phải học chứng chỉ bồi dưỡng có phải không? và Viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc có được ký hợp đồng ở các công ty khác không?

1. Cơ sở pháp lý

– Luật giáo dục 2019

– Luật viên chức 2010

– Luật phòng chống tham nhũng 2018

2. Nội dung tư vấn

2.1 Yêu cầu mới nhất về chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên là như thế nào?

Theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019, giáo viên các cấp phải đáp ứng yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo như sau:
Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
2. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
– Giáo viên mầm non: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên;
– Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT): Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (nếu chưa có đủ giáo viên có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên).
Ngoài ra, theo quy định hiện nay, giáo viên ở các hạng khác nhau của từng cấp học còn phải đáp ứng thêm một số điều kiện nữa. Một trong số đó là yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên tương ứng với hạng đang giữ.

2.2 Để giữ hạng, giáo viên phải học chứng chỉ bồi dưỡng có phải không?

Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp nào phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó và làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó (theo Điều 31 Luật Viên chức năm 2010).
Điều 31. Bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp
1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc sau:
a) Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó;
b) Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.
2. Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
3. Viên chức được đăng ký thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
4. Chính phủ quy định cụ thể quy trình, thủ tục thi hoặc xét, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp của viên chức, phân công, phân cấp việc tổ chức thi hoặc xét, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp của viên chức.
Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý nhà nước về các lĩnh vực hoạt động của viên chức chủ trì, phối hợp với Bộ Nội Vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn Chức danh nghề nghiệp; điều kiện thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức.
Do đó, giáo viên hiện đang được xếp ở hạng chức danh nghề nghiệp nào thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó. Và điều kiện về trình độ đào tạo, chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên cũng là một trong những điều kiện này.
Mà theo phân tích ở trên, chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên cao cấp, giảng viên chính, giáo viên THPT hạng I, giáo viên THPT hạng II, giáo viên THCS hạng I, giáo viên THCS hạng II, giáo viên tiểu học hạng II, giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên mầm non hạng II, giáo viên mầm non hạng III.
Bởi vậy, có thể thấy, để được giữ hạng tương ứng với trình độ đào tạo của mình, những đối tượng giáo viên nêu trên phải học và thi để có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu, tiêu chuẩn. Đồng nghĩa, giảng viên, giáo viên THPT hạng III, giáo viên THCS hạng III, giáo viên tiểu học hạng IV, giáo viên mầm non hạng IV không bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên.

2.3 Viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc có được ký hợp đồng ở các công ty khác không?

Viên chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm trong đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị này (căn cứ Điều 2 Luật Viên chức năm 2010).
Điều 2. Viên chức
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi được tuyển dụng, viên chức ký hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập để thỏa thuận về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Viên chức thực hiện 02 loại hợp đồng làm việc theo khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi 2019:
– Hợp đồng không xác định thời hạn: Là hợp đồng mà hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực, áp dụng với người được tuyển dụng trước 01/7/2020; cán bộ, công chức chuyển sang viên chức; viên chức được tuyển dụng làm việc tại vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn;
– Hợp đồng xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực trong thời gian từ đủ 12 – 60 tháng, áp dụng với người được tuyển dụng vào viên chức kể từ ngày 01/7/2020.
Như vậy, khác với người lao động, viên chức không ký hợp đồng lao động khi làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập mà thực hiện theo chế độ hợp đồng làm việc.
Viên chức được ký hợp đồng lao động để làm ngoài?
Theo quy định tại Điều 14 Luật Viên chức năm 2010, về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định, viên chức có quyền:
– Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
– Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Đồng thời, Điều 19 Luật Viên chức quy định những việc viên chức không được làm không hạn chế quyền được ký kết hợp đồng lao động để làm thêm với các doanh nghiệp khác.
Điều 19. Những việc viên chức không được làm
1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
2. Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.
3. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
4. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.
5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.
6. Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Có thể thấy, viên chức hoàn toàn có thể ký hợp đồng lao động với công ty khác để làm ngoài bên cạnh việc làm việc theo hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, viên chức phải lưu ý chỉ được làm ngoài thời gian làm việc nêu trong hợp đồng làm việc, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp và nội dung công việc không vi phạm điều cấm của luật.
Đặc biệt, nếu là viên chức có chức vụ, quyền hạn thì còn phải đáp ứng các quy tắc ứng xử nêu tại Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018. Khi đó, viên chức không được làm những việc sau nhằm đảm bảo liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ:
Điều 20. Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn
1. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ.
2. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:
a) Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;
b) Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
c) Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
d) Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
đ) Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
e) Những việc khác mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
5. Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong doanh nghiệp nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
– Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
– Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định;
– Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác…