• 0948.468.558
  • lienhe@crv.vn

Tư vấn về trường hợp chủ sở hữu bất động sản liền kề rào lối đi qua.

15/07/2020 - 02:19
54 views
Pháp luật quy định về quyền đối với bất động sản liền kề như thế nào? Chủ sở hữu bất động sản liền kề có quyền và nghĩa vụ như thế nào để đảm bảo lợi ích của các bên? Chúng tôi giải đáp thắc mắc liên quan đến quyền đối với bất động sản liền kề qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn về Luật Dân sự

Quyền sở hữu là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội cũng như trong pháp luật dân sự. Về nguyên tắc, chủ sở hữu có toàn quyền định đoạt đối với tài sản của mình. Trong một số trường hợp, nhằm bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của chủ sở hữu và lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc lợi ích của người khác, quyền định đoạt có thể bị hạn chế theo những điều kiện cụ thể do pháp luật quy định. Cụ thể trong trường hợp chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Tuy nhiên việc đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên đối với bất động sản liền kề hay lối đi chung vẫn còn xảy ra nhiều mẫu thuẫn, tranh chấp.

Nếu bạn có thắc mắc liên quan đến bất động sản liền kề, bạn có thể tham khảo các quy định của Bộ luật dân sự 2015 hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia, luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn về quyền đối với bất động sản liền kề

Hỏi: Em xin chào văn phòng luật sư! Em có vài thắc mắc muốn trao đổi rất mong luật sư giúp gia đình em. Do trong gia đình có nhiều mâu thuẫn, đến nay không thể giải quyết, và cậu của em đã rào chắn tất cả đường đi ra vườn của gia đình em, và em muốn hỏi nếu gia đình em xin đi đường của đất cậu em thì gia đình em cũng đồng ý đóng tiền thuế đường đi mỗi năm được không ạ? Và cách tính như thế nào ạ, đoạn đường dài khoảng 100m, ngang khoảng 2m. Nhưng em muốn hỏi dù vậy, việc ngăn chặn đường đi của cậu em là đúng hay sai, dù việc đi lại con đường đó của gia đình không làm ảnh hưởng gì đến quyền lợi hoặc gây thiệt hại gì cho cậu em, từ việc rào đường cậu em đã gây cản trở rất lớn cho gia đình em khi tới mùa thu hoạch xoài và cam. Làm cho thương lái cũng ngại khó khi muốn mua xoài cam nhà em. Em rất mong luật sư có thể giúp gia đình em giải đáp được những khó khăn mà gia đình em đang vướng phải. Em trân trọng kính chào.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, có thể xác định tranh chấp giữa bạn với cậu của bạn liên quan đến bất động sản liền kề, cụ thể là lối đi qua. Lối đi qua có thể là phần đất thuộc quyền sử dụng chung của cộng đồng hoặc quyền sử dụng riêng của cá nhân. Tuy nhiên, đối chiếu thông tin bạn cung cấp cho thấy chưa đủ cơ sở để kết luận phần đất đang tranh chấp có thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cậu hay không. Do đó, có thể xảy ra hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Lối đi chung thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cộng đồng

Trong trường hợp này, gia đình bạn có thể sử dụng lối đi đó mà không chủ thể nào được quyền cản trở hay không cho đi qua. Theo đó, nếu cậu của bạn có hành vi ngăn cản bạn đi qua lối đi chung, bạn có thể thương lượng, thỏa thuận để giải quyết mâu thuẫn giữa các bên. Nếu không thể thỏa thuận, bạn có thể yêu cầu UBND cấp xã tiến hành hòa giải tranh chấp hoặc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trường hợp 2: Lối đi bạn đang sử dụng thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp riêng của cậu:

Ở trường hợp này, nếu phần đất bạn đi qua được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cậu thì cậu được xác định là người sử dụng đất hợp pháp. Theo đó, cậu có quyền thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê… theo quy định tại Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013:

Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.”

Tuy nhiên, nếu phần đất trồng xoài và cam của bạn bị vây bọc bởi các bất động sản khác thì bạn có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015:

“Điều 254. Quyền về lối đi qua

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

…”

Như vậy, nếu lối đi qua phần đất của cậu là lối đi thuận tiện và hợp lý nhất thì bạn có thể yêu cầu cậu của bạn mở lối cho bạn đi qua trên phần đất đó. Trong trường hợp cậu bạn không đồng ý, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cậu của bạn đang cư trú để yêu cầu giải quyết.

Trong trường hợp bạn được hưởng quyền về lối đi qua thì bạn và cậu của bạn có thể thỏa thuận về việc đền bù, mức đề bù cụ thể do các bên tự xác định.