Sổ đỏ hay được quy định với cái tên pháp lý chính thức là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý công nhận quyền sử dụng đất của người sử dụng đất. Vậy trong trường hợp, hai anh em cùng đứng tên sổ đỏ có gặp vấn đề gì không?
Căn cứ pháp lý
- Luật Đất đai năm 2013 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Nội dung tư vấn
1. Nguyên tắc hai anh em cùng đứng tên sổ đỏ
Đất đai là vấn đề hết sức phức tạp và vấn đề công nhận quyền sử dụng đất đối với người sử dụng đất cũng vậy. Chẳng hạn, hai anh em trong một nhà cùng muốn đứng tên trong Sổ đỏ mà mảnh đất ấy là tài sản tạo lập được bởi công sức của hai anh em. Trường hợp này, nếu hai anh em cùng đứng tên sổ đỏ thì sẽ giải quyết theo nguyên tắc quy định tại Khoản 02 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 như sau:
- Trường hợp hai anh em có nhu cầu muốn mỗi người đứng tên trong một sổ đỏ: với trường hợp mảnh đất có nhiều người có quyền sử dụng đất (từ hai người trở lên) thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần ghi tên đầy đủ của những người có chung quyền sử dụng đất mà họ có nhu cầu mỗi người muốn đứng cấp một sổ đỏ thì cấp cho mỗi người 01 sổ đỏ.
- Trường hợp hai anh em có nhu cầu muốn chỉ cần một người giữ sổ đỏ: đối với trường hợp này thì nếu có yêu cầu của những người có chung quyền sử dụng đất thì cấp sổ đỏ cho một người đại diện dựa trên văn bản thỏa thuận có công chứng giữa những chủ thể chung nhau quyền sử dụng đất.
2. Thủ tục ghi nhận quyền của hai anh em cùng đứng tên sổ đỏ
Theo quy định tại Điều 05 của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT thì thủ tục ghi nhận quyền của hai anh em cùng đứng tên sổ đỏ như sau:
- Trường hợp hai anh em có nhu cầu muốn mỗi người đứng tên trong một sổ đỏ và được cấp riêng: bên cạnh ghi đầy đủ tên của những chủ thể có quyền sử dụng đất chung theo quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 thì cần tiếp tục ghi theo quy định tại Khoản 3 của Thông tư này dòng chữ như sau: “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với…” – nhằm mục đích ghi nhận tên của những người có chung quyền sử dụng đất còn lại.
- Trường hợp hai anh em cùng nhau thỏa thuận muốn chỉ một người giữ sổ đỏ: bên cạnh ghi nhận tên của người đại diện dựa trên thỏa thuận được ghi nhận tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 thì cần tiếp tục ghi theo quy định tại Khoản 3 của Thông tư này dòng chữ như sau: “Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm:…” và cùng nhằm mục đích ghi nhận tên của những người có chung quyền sử dụng đất còn lại bên cạnh người đại diện.
Lưu ý: trường hợp hai anh em có chung quyền sử dụng đất có được là do được thừa kế, chưa muốn phân chia mảnh đất thừa kế và thỏa thuận cho một người đại diện đứng tên thì bên cạnh tên của người đại diện thì dòng chữ ghi nhận tiếp theo như sau: “Là người đại diện của những người được thừa kế gồm:…”