Tóm tắt nội dung yêu cầu tư vấn của khách hàng:

Thưa luật sư, Ngày 26/1/2020 con gái tôi đi xe máy cùng ông ngoại, do ông vượt xe khác nên đâm vào xe máy đi ngược chiều với tốc độ cao khiến bố tôi bị rạn xương cổ tay, con gái tôi 6 tuổi bị đứt lìa 1 đốt ngón tay. Phía bên kia không có thiệt hại về người. Điều khiển phương tiện là 2 thanh niên có biểu hiện say xỉn (đã thừa nhận uống rượu). Do con bị thương nên chúng tôi đã đưa cháu đi cấp cứu, bố tôi sảy ra cự cãi bị 2 thanh niên đánh chảy máu mồm thì anh rể tôi vào can và có đánh lại 2 thanh niên đó. Sau đó 2 bên đồng ý giải quyết tình cảm nhưng sau đó bên kia không hề hỏi thăm gia đình tôi, và có ý khởi kiện anh rể tôi về tội hành hung.

Vậy tôi muốn hỏi nếu giờ tôi kiện lại bên kia về vụ việc tai nạn giao thông khiến con tôi mất 1 đốt ngón tay có được không? Bố tôi cũng đi sai liệu có thể được bồi thường không và thủ tục khởi kiện như thế nào?

Cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Thưa Quý khách hàng, Công ty Luật TNHH MINH KHUÊ xin gửi tới Quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn Quý khách hàng đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của Quý khách hàng liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật dân sự 2015;

– Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

– Nghị định 100/2019/NĐ-CP;

– Luật giao thông đường bộ 2008

và Các văn bản pháp luật khác liên quan thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, … của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, hoặc tùy mức độ hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Về nguyên tắc thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần…

Theo thông tin Quý khách cung cấp, việc bố của Quý khách chở cháu gái đi xe máy, do vượt xe khác nên đâm vào xe máy đang đi ngược chiều với tốc độ cao. Tuy nhiên phải xét về mức độ lỗi của mỗi bên khi xảy ra tai nạn giao thông.

Trường hợp 1:

Bố của Quý khách tham gia giao thông, đi đúng phần đường, đúng tốc độ và vượt xe khác đúng quy định của pháp luật, phía bên kia có biểu hiện sử dụng chất kích thích, rượu bia, tham gia giao thông không đúng quy định gây tai nạn. Vậy, phía bên kia có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bố và con gái Quý khách đồng thời tùy mức độ, hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ như sau:

“Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 8 Điều này;

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7… Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng;…”

Hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

… b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;…”

Về mức bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm, căn cứ Điều 590 Bộ luật dân sự, người có lỗi phải bồi thường những chi phí sau:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Trong đó, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế. Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị căn cứ thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công từ hợp đồng lao động,…

Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại. Trong mọi trường hợp, khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.

Trường hợp 2:

bố của Quý khách có vi phạm quy định khi tham gia giao thông, cũng có một phần lỗi trong việc để xảy ra tai nạn thì tùy thuộc vào mức độ lỗi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp này người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc nếu người bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Mức bồi thường do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được Quý khách có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra, bố của Quý khách còn bị hai thanh niên kia đánh chảy máu mồm, sau đó anh rể Quý khách vào can và đánh lại hai thanh niên đó thì cả hai bên đều có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi cố ý gây thương tích, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người khác. Quý khách có thể tố cáo về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể được giám định từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân nơi xảy ra hành vi phạm tội.