• 0948.468.558
  • lienhe@crv.vn

Điều kiện và thủ tục cho con nuôi tại bệnh viện

15/07/2020 - 01:46
39 views

Cách đây vài tháng giữa tôi và chồng có xảy ra mâu thuẫn nên chúng tôi hiện đã ly thân khi tôi vẫn đang mang thai con đầu lòng. Tôi đã tự mình đến bệnh viện và sinh con nhưng vì hiện tại điều kiện của bản thân không thể nuôi nấng được nên tôi muốn cho con nuôi tại bệnh viện nhưng tôi không rõ thủ tục cho con nuôi tại bệnh viện như thế nào?

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì đối với trường hợp trẻ bị phát hiện bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Ủy bản nhân dân cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã để tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; trong khoảng thời gian đó thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật. Vì vậy, bệnh viện không phải là nơi có chức năng nhận việc cho con nuôi.

1. Thủ tục cho con nuôi tại bệnh viện

Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Nuôi con nuôi 2010, hồ sơ của người được nhận làm con nuôi trong nước bao gồm:

  • Giấy khai sinh

  • Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

  • Hai ảnh toàn thân, nhìn thằng chụp không quá 6 tháng

  • Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;

  • Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp tại UBND cấp xã thì sau tối đa 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sợ, UBND xã sẽ tiến hành lấy ý kiến của những người được quy định tại Điều 21 Luật nuôi con nuôi.

Khoản 1 Điều 21 Luật nuôi con nuôi quy định về sự đồng ý cho con nuôi như sau:

Trừ trường hợp cha đẻ hoặc mẹ đẻ của người được nhận nuôi đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc không thể xác định chính xác được thì việc nhận nuôi con nuôi đối với người được nhận nuôi phải được sự chấp thuận của cả cha mẹ đẻ người  được nhận nuôi.

Nếu cả cha và mẹ đẻ của người được nhận nuôi đều đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc, mất tích hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ, nếu người được nhận nuôi là trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải được sự đồng ý của đứa trẻ đó.

Theo đó, dù trong trường hợp này hai người đã tạm thời ly thân thì nếu chị muốn giao con cho người khác nuôi thì vẫn cần phải có sự đồng ý của người chồng (tức cha đẻ của đứa bé). Trừ trường hợp bố đứa trẻ chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì chỉ cần sự đồng ý của chị là đủ.

Ngoài ra, trong trường hợp này, chúng tôi cũng xin được tư vấn cho chị về vấn đề nghĩa vụ nuôi con.

Căn cứ theo luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Khoản 1 Điều 71 quy định về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con

“Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

Khoản 1 Điều 81 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

“Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”

Khoản 2 Điều 82 quy định về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

“Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

Theo đó, nếu giữa chị và chồng không ly hôn thì người chồng dù ly thân vẫn phải có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ cùng với chị. Nếu trường hợp xảy ra việc ly hôn giữa chị và chồng, nếu chị là người nuôi đứa bé thì người chồng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung của hai người.